Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Đạo đức nhân bản - nhân quả

Nhân là mỗi hành động thân, miệng, ý của chúng ta khởi ra; sự thọ chịu khổ hay vui của mỗi hành động kia là quả: Ví dụ, khi chúng ta nói: "Thằng khốn nạn", thì khi nói như vậy là "Nhân". Người bị mắng như vậy sẽ tức giận là "Quả", khi tức giận như vậy người ta sẽ chửi mắng lại hoặc đánh chúng ta là "nhân", chúng ta chửi mắng lại hoặc đánh là "quả", tức là thọ chịu sự đau khổ của sự mắng chửi hoặc bị đánh.

Còn nếu chúng ta không nói lời thô ác đó, thì nhân không có nên quả cũng không. Đạo đức nhân bản - nhân quả là nói lên những hành động của con người từ thân, miệng, ý không làm khổ mình, khổ người. Hành động không làm khổ mình, khổ người là những hành động sống hằng ngày của con người đối xử với nhau, nó rộng rãi bao la và vô lượng vô biên không thể nghĩ lường được, không thể nói hết được.

. nhưng không ngoài thiện và ác.Đạo đức nhân bản - nhân quả chính là thiện pháp, là chân hạnh phúc của đời người. Đạo đức nhân bản - nhân quả là đạo đức luôn luôn không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

Sống không làm khổ mình, khổ người gồm có:

1- Đạo đức hiếu sinh tức là lòng yêu thương và tha thứ mọi lỗi lầm của người khác.

2- Đạo đức ly tham, tức là tránh xa sự tham lam, gian lận, lừa gạt, lừa đảo, trộm cắp, cướp của giết người.

3- Đạo đức chung thủy, tức là tránh xa những tệ nạn mãi dâm, hiếp dâm trẻ em và bạo lực gia đình,….

4- Đạo đức thành thật, tức là tránh xa những sự dối trá gian xảo, gây chia rẻ, li gián, nói xấu người, vu khống,…

5- Đạo đức minh mẫn, tức là tránh xa rượu chè, bài bạc, hút chích, xì ke, ma túy và cẩn thận trong khi lái xe giữ gìn đúng luật lệ giao thông. Đạo đức nhân bản - nhân quả là đạo đức gốc của con người. Ví dụ một lời nói làm cho người khác buồn khổ là mình thiếu đạo đức nhân bản. Cho nên, đạo đức nhân bản - nhân quả rất thực tế, không mơ hồ, trừu tượng như nhân quả của kinh sách phát triển vì kinh sách phát triển cho rằng nhân kiếp trước thọ quả kiếp này, nhân kiếp này thọ quả kiếp sau.

Đó là một hình thức mơ hồ, trừu tượng, không logic, vì kẻ gieo nhân và người gặt quả không chủ thể, khiến cho người ta không đủ lòng tin. Đạo đức nhân bản - nhân quả được xây dựng trên nền tảng chân lý sống của kiếp người, chỉ có chân lý sống của kiếp người mới nói lên được sự thật của loài người, đạo đức đó sẽ đem lại hạnh phúc an vui cho loài người thiết thực, rõ ràng và cụ thể.

Nếu lấy tư tưởng triết lý tôn giáo mà làm chân lý con người thì chân lý đó biến con người thành mất hết ý chí tự lực, tự cường, chỉ còn biết dựa lưng vào thần quyền, trở thành người mê tín, lạc hậu, thường sợ hãi trước những biến cố.

Nếu lấy triết học làm chân lý của con người thì triết học đó sẽ đưa con người đi vào cuộc sống ảo giác, ảo tưởng trừu tượng, cuối cùng cũng chỉ là một cuộc thí nghiệm tư tưởng con người mà thôi. Người nào tin tưởng theo triết lý bằng thứ ngôn ngữ lý luận của triết lý đó, bỏ cả cuộc đời, phí công sức, phí tiền của, v.

... thì sẽ chẳng ích lợi gì cho mọi người, mà ngay chính bản thân người ấy cũng chẳng hưởng được gì. Những triết lý và những tư tưởng tôn giáo là những thứ hư tưởng không thật. Triết lý đưa ra phương cách sống thiếu thực tế, khiến loài người đến với nó thì gặp sự khổ đau, sự xung đột và có thể giết hại lẫn nhau.

Tôn giáo đưa ra những giáo điều và phương pháp tu tập để đạt những năng lực phi thường, siêu việt (thần thông phép thuật), và hội nhập vào bản thể vạn hữu hay về với các cõi Thần, Thánh, Tiên, Phật, Niết Bàn, v.

... Những điều đó khiến cho con người ham mê, do ham mê nên phí công, phí sức, phí tiền của, nhưng chẳng làm ích lợi thiết thực gì cho mình, cho người, mà còn làm hao phí của cải tài chánh và công sức của mọi người một cách nhảm nhí vô ích.

Các triết gia đưa ra những triết thuyết, mục đích để đem lại sự an vui, hạnh phúc, ấm no cho loài người. Nhưng vì là triết lý được xây dựng trên cuộc sống ảo tưởng hạnh phúc ấm no, cho nên triết lý không thực tế với bản chất của loài người.

Vì thế, triết lý chỉ giải quyết và đáp ứng được những sự việc và hoàn cảnh trong hiện tại. Còn về tương lai thì triết lý đó không bắt kịp thời thế, vì thời thế luôn thay đổi theo định luật nhân quả nên triết lý phải được thay đổi liên tục để đáp ứng kịp với hoàn cảnh và sự phát triển của con người.

Cho nên khi con người bắt đầu thực hiện và sống theo triết lý đó, tưởng là được hạnh phúc, ấm no, công bằng và công lý nhưng hạnh phúc, ấm no, công bằng và công lý đâu không thấy, mà lại thấy dẫy đầy sự bất công, sự đau khổ nhiều hơn.

Có khi nó còn đưa con người đến một cuộc sống cuồng loạn dục vọng vật chất hiện sinh, khiến con người mất hết đạo đức làm người, mất hết lương năng và lương tri, biến dần con người trở thành những ác thú.

Vì thế mà bao nhiêu triết thuyết, bao nhiêu tôn giáo đã biến con người thành cuồng tín, để rồi chống đối và giết hại lẫn nhau. Đạo đức nhân bản - nhân quả làm người không chấp nhận mình làm vật hy sinh cho người khác, cho dù mình tự nguyện.